Bẻ cổ kêu 'răng rắc' có hại không?

31/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Chấn Thương - Chỉnh Hình
Bẻ cổ kêu 'răng rắc' có hại không?

Trả lời:

Theo cấu tạo, các khớp động của cơ thể bao gồm lớp ngoài cùng là bao khớp, được tăng cường bởi các dây chằng và các gân cơ. Trong cùng và giữa các sụn khớp bọc các đầu xương là bao hoạt dịch, có chức năng tiết ra hoạt dịch hay dịch khớp làm trơn khớp. Hoạt dịch cũng mang nguồn dinh dưỡng từ máu đến nuôi sụn khớp. Các sụn khớp tạo ra một bề mặt nhẵn giúp cho khớp vận động dễ dàng.

Quá trình trao đổi chất giữa các tế bào sụn khớp và môi trường dịch khớp làm sản sinh ra các sản phẩm trao đổi chất, trong đó có các khí như oxy, nitơ, CO2. Khi bạn xoay cổ hay bẻ các khớp khác trên cơ thể, bao khớp giãn ra làm giảm áp suất trong khớp và dẫn đến hiện tượng thoát khí trong dịch khớp.

Tiếng kêu "răng rắc" khi bẻ cổ hay các khớp ngón tay là do các nguyên nhân dưới đây.

Các bọt khí trong chất lỏng hoạt dịch ở khớp vỡ ra. Trong khoảng thời gian các bong bóng khí này hình thành trở lại, bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn so với trước đó, giống như giảm các áp lực trong khớp.

Cơ bị căng hết mức, chặt khít, cọ xát quanh xương. Khi khớp vận động, vị trí các gân thay đổi và bị xê dịch nhẹ, khi về lại đúng vị trí có thể phát ra tiếng kêu. Ngoài ra, gân cơ cọ xát vào xương cũng có thể kêu răng rắc.

Duỗi nhanh các dây chằng của khớp, làm phá vỡ các bám dính trong khớp.

Khi cơ thể già đi hoặc mắc bệnh viêm khớp, sụn khớp bao đầu xương bị bong ra tại một số nơi, mặt khớp trở nên thô ráp và làm phát sinh tiếng kêu khi hai đầu xương cọ xát vào nhau.

Thói quen bẻ hoặc lắc cổ hay bẻ khớp ngón tay không đúng, tạo ra âm thanh rắc rắc có thể gây nhiều hậu quả đáng ngại.

Gây bất ổn định vùng khớp: Bẻ khớp với lực quá mạnh làm giãn dây chằng bao quanh vùng khớp, nhất là vùng khớp cổ. Điều này đôi khi có thể làm dây chằng bị kéo căng và hư hỏng vĩnh viễn, dẫn tới viêm xương khớp, thoái hóa khớp, sụn khớp bị tổn thương và mài mòn.

Hội chứng cột sống: Tác động lực sai cách hoặc xoay vặn cổ để tạo ra âm thanh, có thể làm sai lệch hệ xương cột sống, một số trường hợp gây chèn ép lên dây thần kinh dẫn đến đau, sưng, viêm.

Chèn ép tủy sống: Tự xoay, vặn, bẻ cổ có thể làm lệch hay biến dạng đĩa đệm gây chèn ép tủy sống. Các triệu chứng thường gặp như đau, tê vùng cổ, lưng lan xuống cánh tay hoặc chân.

Ảnh hưởng các động mạch vùng cổ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bạn nên đứng dậy đi lại, vận động vài phút sau mỗi 45 phút làm việc để xương khớp và cơ bắp được thư giãn. Bạn có thể xoay cổ để đỡ mỏi nhưng hãy thực hiện chậm rãi và nhẹ nhàng. Bạn cũng cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục, dưỡng sinh, yoga... để hệ cơ xương khớp linh hoạt, chắc khỏe.

BS.CKI Nguyễn Hoàng ThiKhoa Cột sống Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật