Mổ cột sống cho người loãng xương nặng

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Mổ cột sống cho người loãng xương nặng

Bà Ánh đau lưng hơn 4 năm, đau lan xuống hai chân, đi lại khó khăn, tiến triển nặng gần teo cơ. Bà được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng lo ngại biến chứng nên chỉ uống thuốc, tập vật lý trị liệu...

Ngày 19/10, BS.CKI Nguyễn Hoàng Thi, chuyên khoa Cột sống, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Ánh bị trượt đốt sống L4-L5, thoát vị đĩa đệm thể trung tâm, kèm phì đại khớp liên mấu và dày dây chằng vàng, gây hẹp nặng ống sống, chèn ép rễ thần kinh hai bên và chùm đuôi ngựa. Nếu không phẫu thuật kịp thời, rễ thần kinh bị chèn ép ngày càng nhiều, dẫn đến teo cơ, yếu chân, mất chức năng vận động và rối loạn tiêu tiểu.

Theo BS.CKI Bùi Hữu Lượng, chuyên khoa Cột sống, kết quả đo mật độ xương trước mổ của người bệnh là -3,8 (từ -2,5 là loãng xương mức độ nặng). Tình trạng này khiến bệnh của bà Ánh tăng nặng nhanh, dễ biến chứng và phẫu thuật khó khăn. Trong đó, nguy cơ di lệch vít khi thực hiện bắt vít cố định cột sống rất cao. Bác sĩ phải sử dụng vít chuyên dụng là vít rỗng bơm xi măng để ổn định cột sống và thay đĩa đệm cho người bệnh.

Đây là loại vít y tế rỗng ruột, có các lỗ nhỏ trên thân. Sau khi bắt vít vào đốt sống, xi măng sinh học được bơm vào vít và tràn ra ngoài qua những lỗ nhỏ trên thân vít. Xi măng bám chắc vào thân đốt sống, làm cứng thân đốt sống được bơm, tránh nguy cơ lỏng vít.

Trong quá trình phẫu thuật, đĩa đệm L4-L5 của người bệnh đã bị tổn thương được êkíp thay thế bằng đĩa đệm nhân tạo, giải phóng thần kinh khỏi chèn ép. Tất cả thao tác do hệ thống chụp X-quang liên tục C-Arm giám sát, đảm bảo độ chính xác và an toàn cao.

Bác sĩ Lượng (trái) phẫu thuật cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Sau phẫu thuật, bà Ánh gần như không còn đau lưng, chỉ đau nhẹ tại vị trí mổ, có thể đi lại nhẹ nhàng với sự trợ giúp của khung tập đi. Tình trạng sức khỏe phục hồi tốt, người bệnh được xuất viện sau 4 ngày, tiên lượng phục hồi hoàn toàn sau hai tháng.

"Bà Ánh bị thoát vị đĩa đệm do thoái hóa", bác sĩ Thi nói, giải thích thêm đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp. Khi tuổi tác tăng cao, các lớp vòng xơ bị bào mòn, xương dưới sụn của các đốt sống bị biến đổi cấu trúc. Với tác động và sức ép của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm bị rách và lớp nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, gây chèn ép lên các dây thần kinh. Cùng với đó là tình trạng thoái hóa các khớp bên của cột sống khiến phì đại mấu khớp, dày dây chằng vàng làm hẹp ống sống.

Ở giai đoạn vừa và nhẹ, thoát vị đĩa đệm có thể được kiểm soát bằng các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu... Khi bệnh tiến triển nặng, có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên sớm điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Phi Hồng

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật