Nhà nước tinh gọn

11/01/2025
|
0 lượt xem
Chính Trị Góc Nhìn
Nhà nước tinh gọn

Hệ quả là một dự án tưởng chừng đơn giản cũng mất từ vài tháng đến cả năm mới được triển khai, dù thời gian thực hiện chỉ kéo dài hai đến ba năm. Thay vì tập trung vào chất lượng công việc, các bên liên quan lại phải vật lộn với quy trình và thủ tục.

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của các dự án xã hội, mà là thực trạng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác, với mức độ phức tạp khác nhau. Xét về nhiều mặt, thủ tục hành chính ở Việt Nam bị đánh giá là quan liêu hơn các nước khác trong khu vực, dù chi phí quản lý trên đầu người không thấp hơn.

Hiện tượng này trước hết gây thiệt hại cho tổ chức thực hiện và đối tượng thụ hưởng. Nhưng quan trọng hơn, nó tạo ra sự lãng phí khổng lồ về thời gian và nguồn lực của chính bộ máy nhà nước. Thực trạng này cũng lý giải vì sao, dù qua nhiều đợt cải cách từ những năm 1990, bộ máy hành chính vẫn phình to và hoạt động thiếu hiệu quả. Khi nền kinh tế và xã hội phát triển, nhu cầu quản lý nhà nước tăng theo cấp số nhân. Nếu chỉ cải cách theo kiểu cộng trừ như vẫn làm, lạm phát biên chế là khó tránh khỏi.

Nguồn lực nhà nước không phải là vô tận. Chi tiêu quá nhiều cho bộ máy hành chính đồng nghĩa với việc giảm ngân sách cho đầu tư phát triển hay cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục và hạ tầng. Chi thường xuyên hiện chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách, thậm chí lên đến 90% ở một số đơn vị. Để "vươn mình" với cơ cấu như vậy, sẽ rất khó khăn.

Trong vài năm qua, các nỗ lực tinh giản biên chế đạt được một số kết quả. Bộ Nội vụ cho biết trong giai đoạn 2016-2023, đã giảm được gần 100.000 biên chế. Nhà nước sẽ tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập cả nước so với năm 2021. Tuy nhiên, biện pháp này là chưa đủ. Cắt giảm cơ học nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt khi các ngành và địa phương có khác biệt lớn về nhiệm vụ và ưu tiên phát triển. Chẳng hạn, quản lý một phường trung tâm của TP HCM rõ ràng phức tạp hơn rất nhiều so với một phường ở các tỉnh miền núi. Thế nhưng các đơn vị hành chính này lại chịu sự điều chỉnh chung bởi các quy định đồng nhất. Trong khi đó, yêu cầu cắt giảm biên chế không tính đến biến động về khối lượng công việc thực tế.

Vấn đề bởi vậy không nằm ở số lượng, mà ở cách tổ chức bộ máy. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, là một giải pháp mang tính hệ thống quan trọng. Khi địa phương được trao quyền quyết định và chịu trách nhiệm, họ sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh quy mô nhân lực phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, phân quyền chỉ là một phần. Thách thức lớn hơn nằm ở việc cải tiến quy trình.

Bộ máy nhà nước vận hành dựa trên quy định để hạn chế rủi ro và giảm thiểu nguy cơ lạm dụng quyền lực. Nhưng khi quy trình quá phức tạp, nó vừa làm chậm quá trình ra quyết định, vừa tạo ra tâm lý "làm cho đúng" thay vì "làm cho hiệu quả". Điều này không chỉ làm giảm năng suất công việc mà còn không ngăn được tham nhũng. Những vụ đại án gần đây cho thấy, dù quy trình chặt chẽ đến đâu, "con sâu" vẫn tìm được cách lách qua mọi kẽ hở, trong khi những cán bộ tử tế lại bị trói chân trói tay trong ma trận quy trình.

Thực tế này đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy quản trị, tập trung vào hiệu quả thay vì số lượng. Đầu tiên, cần đơn giản hóa quy trình, ưu tiên xây dựng nguyên tắc khung thay vì chi tiết hóa quy định một cách không cần thiết. Song song với đó, cần tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Khi được trao quyền, lãnh đạo chịu trách nhiệm với kết quả công việc, từ đó tạo động lực cho sự sáng tạo và chủ động trong điều hành.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả từ dưới lên. Người dân và doanh nghiệp - những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách - cần được trao quyền và công cụ đánh giá chất lượng dịch vụ công đầy đủ, công khai, và minh bạch. Sự tham gia của họ không chỉ giúp phát hiện kịp thời những bất cập mà còn tạo áp lực vận hành hiệu quả cho bộ máy nhà nước.

Cuối cùng, cần phân loại rõ ràng và mạnh dạn chuyển giao những nhiệm vụ không cần thiết cho khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Nhà nước không nhất thiết ôm đồm mọi việc, đặc biệt là những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể thực hiện tốt hơn với chi phí thấp hơn. Đây là cách mà các chính phủ nổi tiếng hiệu quả như Singapore hay các nước Bắc Âu vận hành.

Cải cách bộ máy hành chính chưa bao giờ dễ dàng. Nhà kinh tế Milton Friedman từng đùa rằng nếu giao một chính phủ điều hành sa mạc Sahara, chỉ sau năm năm là chúng ta thiếu cát. Ngay cả nước Mỹ cũng không thể thờ ơ với vấn đề này, với một Ban Hiệu suất Chính phủ vừa được Tổng thống đắc cử Donald Trump lập nên để thúc đẩy cải cách. Các nước trong khu vực cũng vậy. Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto dù cam kết tinh gọn bộ máy, nhưng chỉ sau vài tháng đắc cử đã phải tăng số thành viên nội các từ 64 lên 106 người.

Khó không đồng nghĩa với bất khả thi. Như chiếc xe đạp hai bánh, bộ máy nhà nước cần cân bằng giữa trao quyền và giám sát. Siết chặt quá sẽ khiến bánh xe ngừng quay, còn lỏng lẻo quá lại dẫn đến mất kiểm soát. Nhưng dù thế nào đi nữa, phải đạp thì xe mới chạy - con đường cải cách cũng vậy.

Nguyễn Khắc Giang

Tin liên quan
Tin Nổi bật