Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp quá mức ngay cả khi có ít nước tiểu. Triệu chứng bệnh gồm thường xuyên buồn tiểu, lượng nước tiểu ít, tiểu gấp không kiểm soát, tiểu són, tiểu không tự chủ... Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa rõ ràng nhưng có liên quan đến những thay đổi trong cơ bàng quang và các dây thần kinh kiểm soát chức năng bàng quang. Dưới đây là một số loại thực phẩm, đồ uống kích thích bàng quang khiến triệu chứng tăng nặng.
Đồ uống có gas
Các loại đồ uống có gas, nhiều đường như soda tác động tiêu cực đến chức năng bàng quang. Cacbonat gây kích ứng, đường kích thích bàng quang. Loại soda có chứa caffeine còn khiến cơ thể tăng lượng nước tiểu thải ra.
Cà phê
Cà phê, trà, đồ uống tăng lực đều chứa caffein, đóng vai trò như chất lợi tiểu, có thể khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn. Chúng cũng chứa axit, có thể gây khó chịu cho bàng quang. Người bệnh bàng quang tăng hoạt nên chọn đồ uống không chứa caffeine, cà phê ít axit và trà thảo mộc không axit.
Chocolate đen
Hàm lượng caffeine và đường trong chocolate đen đều không có lợi cho người bệnh bàng quang tăng hoạt. Hãy hạn chế chocolate và không ăn vào tối muộn, có thể thay thế bằng chocolate trắng vì không có hoặc ít caffeine hơn.
Trái cây họ cam quýt
Cam, bưởi, quýt, chanh đều có tính axit, có thể khó kiểm soát cơn buồn tiểu, dù là ăn hay uống nước ép. Dứa và nam việt quất không thuộc họ cam quýt nhưng cũng có tính axit tương tự, không có lợi khi mắc bệnh bàng quang tăng hoạt.
Người bệnh bàng quang tăng hoạt nên tránh các trái cây nhiều axit như cam, quýt. Ảnh: Bảo Bảo
Cà chua
Các loại thực phẩm từ cà chua như sốt spaghetti, tương cà chua đều có tính axit cao, khiến nước tiểu cũng tăng tính axit. Đây là tác nhân gây kích ứng bàng quang và làm tăng các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Bia rượu
Bia, rượu dưới bất kỳ hình thức nào cũng làm tăng nhu cầu đi tiểu. Các thức uống có cồn cũng làm rối loạn tín hiệu giữa não và bàng quang gửi tín hiệu khi nào cần đi tiểu.
Đồ ăn cay nóng
Thực phẩm cay có thể tác động đến niêm mạc bàng quang và gây đau bàng quang mạn tính. Nếu ăn quá nhiều thực phẩm cay, bạn cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về ruột.
Sản phẩm từ sữa
Sữa, phô mai, sữa chua và kem là những tác nhân kích thích bàng quang thường gặp.
Gia vị
Nhiều gia vị như nước tương, giấm, tương cà, sốt mayonnaise... có chứa axit hoặc các thành phần không tốt cho bàng quang nhạy cảm. Hãy thêm hương vị cho bữa ăn bằng các loại gia vị thân thiện với bàng quang như hương thảo, thì là, húng tây và tỏi.
Thực phẩm chế biến sẵn
Hương vị nhân tạo, chất bảo quản và phụ gia có thể kích ứng bàng quang. Hãy kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm khi mua thực phẩm chế biến sẵn và tăng cường chế biến rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt cho bữa ăn.
Bàng quang tăng hoạt ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn tới một số biến chứng như viêm loét, ngứa, phát ban da xung quanh vùng kín; nhiễm trùng tiểu, tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi và tăng nguy cơ tái phát sau điều trị.
Người có các triệu chứng bệnh cần đến đi khám để được xác định mức độ, chẩn đoán nguyên nhân, điều trị phù hợp. Bàng quang tăng hoạt có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp từ không xâm lấn như thay đổi lối sống, dinh dưỡng, dùng thuốc, cho tới xâm lấn như tiêm botox, kích thích thần kinh.
Anh Ngọc (Theo Webmd)