Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiểu (UTI) do vi khuẩn có hại xâm nhập vào các bộ phận trong hệ tiết niệu gây viêm nhiễm. Tình trạng này thường xảy ra tại đường tiết niệu dưới gồm bàng quang, niệu đạo và phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Chế độ ăn uống thân thiện với đường tiết niệu có thể giúp giảm axit trong cơ thể và nước tiểu, đồng thời hỗ trợ điều trị UTI bằng kháng sinh. Người bệnh nên tránh một số thực phẩm dưới đây bởi chúng có thể gây kích ứng hoặc khó chịu cho bàng quang và đường tiết niệu, làm trầm trọng thêm triệu chứng cũng như kéo dài thời gian nhiễm trùng.
Thực phẩm có tính axit
Một số thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam quýt chứa hàm lượng vitamin C cao, nên có trong chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu không nên ăn nhiều.
Mức axit cao có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng vi khuẩn có lợi trong đường tiết niệu. Quá nhiều axit trong chế độ ăn uống có khả năng dẫn đến nước tiểu có tính axit, gây ra các triệu chứng liên quan đến bàng quang, sỏi axit uric và các biến chứng khác.
Người bệnh nên chọn thực phẩm có tính kiềm hoặc trung hòa axit như đậu, các sản phẩm từ sữa lên men chứa lợi khuẩn như sữa chua, rau tươi, chất béo lành mạnh từ dầu ôliu và bơ. Bổ sung men vi sinh cũng hỗ trợ vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa. Men vi sinh làm thay đổi độ pH của nước tiểu và có khả năng làm giảm vi khuẩn có hại ở đường tiết niệu, ngăn ngừa UTI tái phát.
Lượng axit cao trong trái cây họ cam quýt có thể dẫn đến tình trạng nước tiểu có tính axit, gây kích ứng hệ tiết niệu. Ảnh: Bảo Bảo
Thực phẩm cay
Ớt và các loại gia vị cay khác dễ gây kích ứng bàng quang. Người bệnh cũng nên tránh thực phẩm và nước dùng làm từ cà chua.
Chocolate
Chocolate chứa đường, caffeine làm tăng tần suất và nhu cầu đi tiểu trong khi bàng quang của đang nhạy cảm do nhiễm trùng. Các chuyên gia khuyên chọn chocolate đen bởi nó giàu chất chống oxy hóa, hỗ trợ giảm độ axit và tăng chất chuyển hóa trong nước tiểu, khiến vi khuẩn gây bệnh khó phát triển hơn.
Đồ uống chứa đường
Đồ uống chứa đường góp phần gây ra UTI, do đường làm tăng độ axit trong nước tiểu và thúc đẩy vi khuẩn gây UTI phát triển. Hãy hạn chế cả đồ uống chứa đường nhân tạo và tự nhiên, bao gồm nước cam, nước chanh và đồ uống đóng lon. Nước ép nam việt quất góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị UTI, nhưng hãy chọn loại không đường.
Đồ uống có gas, caffeine
Đồ uống chứa caffeine và có gas như cà phê, nước ngọt. Đây không phải là lựa chọn tốt nếu bị nhiễm trùng đường tiểu vì có thể gây kích ứng bàng quang. Caffeine cũng được biết đến là chất lợi tiểu, làm tăng lượng nước tiểu mà cơ thể sản xuất và gây ra các triệu chứng tiểu gấp.
Người bệnh nên thay thể bằng các loại trà hoặc cà phê không chứa caffein, nước ép quả mọng tươi, nước lọc, nước khoáng đóng chai hoặc nước kiềm, sinh tố để tăng cường năng lượng, giảm UTI.
Người bệnh nhiễm trùng đường tiểu nên tránh uống cà phê. Ảnh: Bảo Bảo
Đồ uống có cồn
Rượu cũng có thể gây kích ứng bàng quang, dẫn đến mất nước và làm tăng độ axit trong nước tiểu, khiến các triệu chứng UTI nặng hơn. Rượu còn làm giảm hiệu quả của một số loại kháng sinh được kê đơn để điều trị nhiễm trùng tiết niệu. Thức uống này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp