Rắn hổ mang đơn độc đối đầu sóc đất và cầy mangut

31/12/2024
|
0 lượt xem
Khoa Học Thế Giới Tự Nhiên
Rắn hổ mang đơn độc đối đầu sóc đất và cầy mangut
    Rắn hổ mang đơn độc đối đầu sóc đất và cầy mangut

Rắn hổ mang Nam Phi bại trận trong cuộc chiến với sóc đất và cầy mangut. Video: Latest Sightings

Cuộc chiến giữa con rắn hổ mang đơn độc với bầy sóc đất và cầy mangut diễn ra ở khu trại Nossob nằm ở trung tâm Công viên xuyên biên giới Kgalagadi, Latest Sightings hôm 5/11 đưa tin. Lara De Matos, du khách ghi lại sự việc, chứng kiến màn đối đầu của chúng sau chuyến lái xe buổi sáng.

Âm thanh náo động gần bể bơi thu hút sự chú ý của Lara và chồng cô. Họ bắt gặp những con sóc đất lao vọt ra khỏi hang để chặn đầu rắn hổ mang lăm le tới gần. Cặp đôi nhanh chóng lấy camera để quay lại cảnh tượng. Theo Lara, sóc đất rất kiên trì, chúng thay phiên nhau chặn đầu và phân tán sự chú ý của rắn hổ mang từ nhiều góc khác nhau. Đó là cuộc chiến sinh tồn và đàn sóc biết con rắn là mối đe dọa lớn đối với sóc non ẩn náu trong hang.

Khi cuộc chiến trở nên căng thẳng, cầy mangut xuất hiện. Nổi tiếng với sự nhanh nhẹn và khả năng kháng độc, con cầy lao thẳng vào rắn hổ mang. Trong khi đó, những con sóc lùi lại, tạm nghỉ ngơi trong lúc cầy mangut tiếp tục cuộc chiến. Cầy mangut xoay vòng tròn và tấn công bất ngờ, khiến rắn hổ mang phải rút lui. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn đuổi theo để đảm bảo kẻ thù đi xa hoàn toàn.

Rắn hổ mang Nam Phi (Naja nivea) thuộc họ Rắn hổ, là loài rắn có độc tính cao với kích thước trung bình. Chúng phân bố chủ yếu ở phía nam châu Phi, trên những đồng cỏ khô cằn, vùng cây bụi, sa mạc và bán sa mạc. Con mồi chủ yếu của chúng là chim săn mồi, lửng mật và nhiều loài cầy mangut. Nọc của chúng chứa độc tố thần kinh mạnh và có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ thần kinh và tim. Con mồi của chúng rất đa dạng, gồm rắn, động vật gặm nhấm, thằn lằn, chim và xác thối.

Cầy mangut là động vật ăn thịt nhỏ chủ yếu sinh sống ở châu Phi, nhưng cũng phân bố ở phía nam châu Á và châu Âu. Chúng nổi tiếng với những màn tấn công táo bạo nhằm vào các động vật lớn hơn, thường săn thằn lằn, côn trùng và rắn độc. Theo New Scientist, cầy mangut tránh đòn của rắn bằng cách di chuyển rất nhanh. Chúng không bị ảnh hưởng bởi nọc độc rắn do có các thụ thể acetylcholine đặc biệt miễn dịch với chất độc trong nọc.

An Khang (Theo Latest Sightings)

Tin liên quan
Tin Nổi bật