Thả chó trong công viên

31/12/2024
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Thả chó trong công viên

Vì thế tôi cũng thỉnh thoảng thấy cảnh nhiều người tăng pace (tốc độ) bất thường hoặc phải bẻ ngoặt đường chạy vì sợ chó đuổi. Nhân viên bảo vệ tại đây rất vất vả, ngoài công việc hàng ngày, họ còn phải rình chó, đuổi chó, lắm lúc đôi co với chủ nuôi.

Với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị lớn tại Việt Nam, xu hướng nuôi thú cưng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ và người lớn tuổi. Thú cưng không chỉ là bạn đồng hành mà còn giúp giảm căng thẳng và cảm giác cô đơn cho người nuôi. Số lượng chó mèo được đăng ký nuôi trong thành phố đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, nhất là tại các khu vực đô thị và chung cư. Năm 2023, ước tính có hơn 12 triệu thú cưng (5,58 triệu con mèo và 6,48 triệu con chó). Dự kiến, đến năm 2027, con số này lên tới 16 triệu.

Nhưng việc nuôi thú cưng, đặc biệt là trong các chung cư, gặp nhiều khó khăn do thiếu không gian riêng, dẫn đến các vấn đề về vệ sinh, an toàn và sức khỏe. Số lượng chó mèo gia tăng, tình trạng gây rối hoặc cắn người cũng ngày càng phổ biến, phần lớn là do thiếu quản lý và không có không gian phù hợp cho thú cưng vận động. Thiếu diện tích cho chó mèo chạy nhảy dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Không gian hạn chế khiến chúng dễ bị stress và phát sinh hành vi tiêu cực. Theo nghiên cứu của ASPCA (Hiệp hội Phòng chống Sự tàn ác đối với Động vật của Mỹ), chó cần ít nhất 30 phút vận động mỗi ngày, tùy thuộc vào giống và tuổi, mèo cũng cần khoảng 20-30 phút chơi đùa để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết trong năm 2024, số người tiêm vaccine phòng dại do súc vật cắn đã tăng lên khoảng 10.000 mỗi tháng, rất nhiều trường hợp xảy ra ở công viên, cho thấy mức độ nguy hiểm của vấn đề. Dù có quy định phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với chủ nuôi không rọ mõm cho chó, tình trạng chó thả rông, không rọ mõm và phóng uế bừa bãi đã trở thành vấn nạn từ Nam ra Bắc.

Công viên dành cho thú nuôi (dog park hay dog run) là một giải pháp thiết thực dành cho nhu cầu vận động và vui chơi của chó, tạo ra không gian giao lưu cho cả chó và chủ sở hữu. Những công viên này cung cấp khu vực an toàn, cho phép chó tự do vận động mà không cần dây xích, giúp chúng thỏa mãn bản năng tự nhiên, được xây dựng trên khu đất trống trong các công viên hiện hữu.

Công viên cho thú nuôi đầu tiên trên thế giới, Ohlone Dog Park, được mở vào năm 1979 tại Berkeley, California, và mở cửa từ 8h sáng đến 8h tối hàng ngày. Hiện nay, nơi này được gọi là Công viên Tưởng niệm Martha Scott Benedict, không chỉ dành cho chó mà còn có nhiều chỗ cho các chủ nuôi nghỉ ngơi và chơi cùng thú cưng.

Mô hình công viên dành cho thú nuôi thường bao gồm hàng rào cao từ 1,2 đến 1,8 mét, lối vào với hai cánh cửa để đảm bảo an toàn, cùng hệ thống thoát nước hợp lý. Không gian này cũng có ghế ngồi cho người, nước uống, thùng rác để thu gom phân chó, và chỗ đỗ xe gần khu vực. Một số nơi được trang bị lối đi cho xe lăn, hồ bơi cho chó, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

Các trạm tắm chó (dogwash) có thu phí (bằng tiền xu hoặc mã QR) thường được lắp đặt gần khu vực dog run trong công viên, giúp duy trì vệ sinh và tạo nguồn thu cho công viên từ chủ nuôi.

Tại Singapore, các trạm do NParks quản lý mang lại tiện ích cho chủ nuôi, giúp làm sạch thú cưng dễ dàng sau khi vui chơi. Các trạm này được trang bị vòi sen và dung dịch tắm, tiết kiệm thời gian và giữ công viên sạch sẽ. Chúng thường nằm gần khu dog run hoặc nhà vệ sinh, thuận tiện cho chủ nuôi sau khi thú cưng chơi đùa.

Mô hình này không phải quá mới và xa lạ với người Việt. Năm 2022, công viên dành cho chó đầu tiên tại Hà Nội được mở tại Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai và khá thu hút cộng đồng người yêu thú cưng. Tuy nhiên, những không gian như vậy còn quá hiếm hoi tại các đô thị ở Việt Nam, chưa đáp ứng hết nhu cầu, cũng như chưa đủ phổ biến để tạo thành thói quen, nếp sinh hoạt của những người yêu động vật.

Không gian công cộng riêng cho thú nuôi mang lại nhiều lợi ích rõ ràng với chi phí xây dựng hợp lý. Những khu vực này cho phép chó vận động tự do, giúp giảm hành vi tiêu cực và cải thiện sức khỏe cho chúng, hạn chế tình trạng chủ nuôi vẫn lén dắt chó mèo vào công viên gây ra hiểm họa cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Công viên thú nuôi cũng sẽ góp phần xây dựng tinh thần cộng đồng, tạo cơ hội cho những người yêu thú cưng kết nối và chia sẻ kinh nghiệm.

Đầu tư mở rộng những không gian cho thú cưng là một bước đi cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và nâng cao chất lượng cuộc sống trong các đô thị hiện đại.

Trình Phương Quân

Tin liên quan
Tin Nổi bật