Thời trang đầu thế kỷ 20 trong 'Công tử Bạc Liêu'

15/01/2025
|
0 lượt xem
Chuyện Màn Ảnh Giải Trí Phim Trường Quay
Thời trang đầu thế kỷ 20 trong 'Công tử Bạc Liêu'
    Hậu trường thời trang đầu thế kỷ 20 trong 'Công tử Bạc Liêu'

Hậu trường thời trang trong phim "Công tử Bạc Liêu". Video: Đoàn phim cung cấp

Đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết khi thiết kế thời trang cho phim, êkíp chịu áp lực ở khâu áo dài - trang phục chủ đạo. Các nhân vật sống vào thập niên 1930 - thời kỳ nở rộ của áo Lemur, do họa sĩ Cát Tường khởi xướng.

Một trong những khó khăn của đoàn phim là phom áo dài. Theo nhà thiết kế Thủy Nguyễn - giám đốc thời trang, cấu trúc xương và vóc dáng của các diễn viên hiện tại có phần khác so với thời xưa. Chị phải điều chỉnh để phù hợp cơ thể người mặc, đồng thời giữ được cảm xúc, tinh thần của thời trang giai đoạn đó. Đầu thế kỷ 20, chất liệu còn hạn chế, êkíp chỉ tập trung vào một số loại vải như tafta, phi, tái hiện cách nhuộm màu thủ công. "Chúng tôi muốn dung hòa giữa việc giữ bản sắc truyền thống và áp dụng các yếu tố hiện đại cho các khung hình điện ảnh", chị nói.

Vai cô Sáu (phải) - Kaity Nguyễn đóng, bên mẹ cô - bà Hội đồng Lịnh (Thanh Thủy). Ảnh: Huy Trần

Thời trang giúp bộc lộ tính cách từng nhân vật. Vai cô Sáu, em "công tử Bạch Liêu" (Kaity Nguyễn đóng) ban đầu diện các bộ đồ giản dị như bà ba, áo ngũ thân, về sau phá cách hơn với áo dài Lemur. Vai chính Ba Hơn (Song Luân) thích mặc các bộ suit đơn sắc như trắng, xám, be, thể hiện là người lịch lãm. Cha anh - Hội đồng Lịnh (nghệ sĩ Thành Lộc) luôn mặc áo dài truyền thống để chứng tỏ sự uy nghiêm, vị thế đứng đầu gia tộc giàu có bậc nhất miền Nam xưa.

Diễn viên chính Song Luân và Hoa hậu Đoàn Thiên Ân - vai mỹ nhân Bảy Loan. Ảnh: Huy Trần

Phim xoay quanh nhân vật Ba Hơn - vốn là công tử nổi tiếng chơi ngông ở miền Nam đầu thế kỷ 20. Sau khi du học từ Pháp trở về, anh khao khát chứng minh bản thân, mong giúp công việc ngân hàng của cha phát triển thuận lợi. Dù vậy, ông Hội đồng Lịnh xem các việc làm của con là hành động phá của, từ chối cung cấp vốn cho anh làm ăn. Cao trào xung đột là khi Ba Hơn cho rằng không được cha xem trọng, bị Hội đồng Lịnh từ mặt.

    Trailer 'Công tử Bạc Liêu'

Trailer phim "Công tử Bạc Liêu". Video: Đoàn phim cung cấp

Kịch bản lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật có thật. Vai Hội đồng Lịnh có nguyên mẫu là ông Trần Trinh Trạch, một trong bốn đại điền chủ của miền Nam xưa (Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch). Con ông - "công tử Bạc Liêu" - tên thật là Trần Trinh Huy (1900-1974), nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 bởi lối ăn chơi phóng khoáng. Ngoài vua Bảo Đại, Ba Huy là người sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Mai Nhật

Tin liên quan
Tin Nổi bật