Tiểu máu là tình trạng có máu trong nước tiểu, có thể kèm cảm giác đau hoặc không. Tiểu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu đi vào nước tiểu từ một cơ quan trong hệ thống đường tiết niệu như thận, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang), bàng quang, niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ phần dưới của bàng quang ra ngoài cơ thể). Dưới đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây tiểu máu không đau.
Tập thể dục
Các bài tập gắng sức hoặc kéo dài như chạy đường dài, chèo thuyền hoặc bơi lội, có thể gây tiểu máu không đau. Các chuyên gia cho rằng mạch máu nuôi thận bị hẹp lại để cải thiện lượng máu cung cấp cho các cơ đang tập luyện, từ đó khiến tế bào hồng cầu rò rỉ vào nước tiểu.
Các nguyên nhân khác có thể như chấn thương trực tiếp ở thận hoặc bàng quang do các môn thể thao đối kháng, đạp xe gây va chạm liên tục giữa tầng sinh môn (khu vực giữa hậu môn và âm đạo) với yên xe đạp hoặc thành bàng quang bị va đập trong khi chạy đường dài.
Tiểu máu sau khi tập thể dục có thể là tiểu máu đại thể (có thể nhìn thấy bằng mắt thường) hoặc tiểu máu vi thể (chỉ phát hiện qua xét nghiệm), liên quan đến cường độ hoặc mức độ hoạt động hơn là thời gian của hoạt động đó. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian ngắn, tự khỏi trong vòng một hoặc hai ngày, dù một số trường hợp có thể kéo dài tới một tuần.
Trường hợp tiểu máu do tập thể dục kéo dài hơn một tuần, là người trên 40 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư đường tiết niệu như tiền sử hút thuốc, cần sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác, điều trị kịp thời.
Các bài tập gắng sức hoặc kéo dài như chạy đường marathon có thể gây tiểu máu không đau trong 1-2 ngày. Ảnh: VM
Chấn thương
Chấn thương ở bất kỳ cơ quan nào trong hệ thống đường tiết niệu đều có thể gây tiểu ra máu, dù thận là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong số các trường hợp chấn thương. Đây có thể là chấn thương kín như tai nạn giao thông, ngã, va chạm hoặc chấn thương hở. Tùy thuộc mức độ chấn thương, tiểu máu có thể không đau hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như đau và sưng ở hông (khu vực ở lưng dưới), bầm tím và gãy xương sườn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường do vi khuẩn gây ra. Tiểu ra máu là triệu chứng phổ biến của UTI. Hai loại UTI phổ biến là viêm bàng quang và viêm bể thận.
Viêm bàng quang do vi khuẩn lây lan đến bàng quang. Các triệu chứng có thể bao gồm đau rát khi đi tiểu, buồn tiểu thường xuyên và tiểu gấp, đau ở bụng dưới và có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu.
Viêm bể thận xảy ra vi khuẩn lây nhiễm đến một hoặc cả hai quả thận. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, đau hông, buồn nôn và nôn, các triệu chứng như viêm bàng quang.
Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang
Hầu hết người bị sỏi thận đều bị tiểu máu vi thể hoặc đại thể. Tùy vào các yếu tố như kích thước của sỏi, sỏi có chặn dòng nước tiểu từ thận đến bàng quang hay không. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như đau dữ dội ở hông hoặc bụng dưới và lan đến vùng bẹn, buồn nôn hoặc nôn, tiểu gấp, đau khi đi tiểu. Giống như sỏi thận, sỏi bàng quang là các khoáng chất kết tinh bên trong bàng quang. Chúng thường bắt nguồn từ thận và các triệu chứng tương tự sỏi thận.
Bệnh thận
Một số loại bệnh thận có thể gây ra tiểu ra máu. Trong đó, phổ biến là viêm cầu thận - bệnh ảnh hưởng đến phần thận chịu trách nhiệm lọc máu. Có một số loại viêm cầu thận, do các nguyên nhân khác nhau như lupus, tiểu đường hoặc nhiễm virus, cùng mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ngoài tiểu máu, các triệu chứng khác bao gồm protein niệu (protein trong nước tiểu), gây ra nước tiểu có bọt, sưng ở mắt cá chân, bàn tay và quanh mắt.
Ung thư
Máu trong nước tiểu là triệu chứng ban đầu chủ yếu của ung thư bàng quang. Triệu chứng này thường không gây đau, có thể nhìn thấy bằng mắt thường và không liên tục, xuất hiện vào một ngày và biến mất vào hôm sau. Tiểu máu đại thể hoặc vi thể không đau cũng là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư thận.
Các nguyên nhân khác có thể gây tiểu ra máu bao gồm tác dụng phụ từ thủ thuật liên quan đến đường tiết niệu, các vấn đề về mạch máu thận, tác dụng phụ của thuốc hoặc bệnh di truyền như bệnh thận đa nang, bệnh hồng cầu hình liềm.
Tất cả trường hợp tiểu ra máu đều nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân, điều trị kịp thời, nhất là tiểu ra đại thể. Máu trong nước tiểu, dù là màu hồng, đỏ hay màu trà, không phải lúc nào cũng do hồng cầu. Chảy máu tử cung hoặc âm đạo có thể bị nhầm là tiểu ra máu. Mất nước có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng sẫm, đôi khi bị nhầm là máu. Một số loại thực phẩm cụ thể là củ cải đường cũng có thể khiến nước tiểu chuyển màu đỏ.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)